image banner
Tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 8
  • Trong tuần: 52
  • Tất cả: 9,240
Đăng nhập
Phối hợp chăm sóc toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời
Ngày 17/2, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Ngô Thị Minh tham dự lễ ký Quy chế phối hợp liên ngành thực hiện Quyết định số 1437/QĐ-TTg, ban hành ngày 29/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng giai đoạn 2018-2025”. Lễ ký kết được thực hiện bởi 4 Bộ: GDĐT, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Quy chế phối hợp giữa 4 Bộ nhằm phối hợp triển khai công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ triển khai thực hiện Đề án; nghiên cứu rà soát và thực hiện chính sách pháp luật; công tác thanh tra, kiểm tra việc triển khai thực hiện Đề án; phối hợp triển khai chương trình tư vấn giáo dục cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em về phát triển toàn diện trẻ em; kiện toàn các dịch vụ chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em; xây dựng mạng lưới kết nối dịch vụ chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em tại gia đình và cộng đồng; phối hợp triển khai các mô hình chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em; phối hợp việc thống kê, cung cấp thông tin và báo cáo tình hình triển khai Đề án, nghiên cứu khoa học; giao ban liên ngành về chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em những năm đầu đời.

Phát biểu tại lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ GDĐT Ngô Thị Minh khẳng định, Bộ GDĐT đề cao vai trò các bậc cha mẹ tham gia vào quá trình chăm sóc phát triển trẻ thơ, góp phần thực hiện mục tiêu chương trình chăm sóc, giáo dục trẻ em. Đồng thời làm cho cha mẹ, cộng đồng hiểu về giáo dục mầm non, từ đó có sự thống nhất trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em từ nhà trường, gia đình và xã hội, đây được xem là vấn đề cơ bản bảo đảm cho việc thực hiện quyền trẻ em. Trong giai đoạn tới, Bộ GDĐT tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện tốt các nhiệm vụ có tác động đến việc nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, trong đó có nhóm trẻ độc lập có quy mô nuôi dạy tối đa 7 trẻ. Đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay, cần có các chính sách và giải pháp cấp bách nhằm hỗ trợ giáo dục mầm non, đặc biệt là khối ngoài công lập để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, bảo đảm chất lượng phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng giai đoạn 2022-2025.

Thứ trưởng cũng cho biết: Thời gian qua, Bộ GDĐT đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để triển khai thực hiện Đề án. Trong đó, có những hoạt động như: Hướng dẫn hỗ trợ các cơ sở giáo dục mầm non thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”;  Hướng dẫn cha mẹ chăm sóc, giáo dục trẻ em mầm non; Xây dựng bộ công cụ và tài liệu hướng dẫn, hỗ trợ giáo viên cha mẹ trẻ về phát hiện sớm, can thiệp sớm đối với trẻ em có nguy cơ chậm phát triển và trẻ em khuyết tật; Đẩy mạnh giáo dục hòa nhập với trẻ em khuyết tật; Tăng cường nghe nói, phát triển kỹ năng giao tiếp Tiếng Việt cho trẻ mầm non người dân tộc thiểu số; Xây dựng mô hình chăm sóc, giáo dục trẻ em dựa vào cộng đồng. Lựa chọn, nhân rộng các mô hình phối hợp nhà trường, gia đình và cộng đồng chăm sóc giáo dục trẻ em.